micheal_nguyen
05-04-2010, 08:28
Trong cuộc đời được may mắn cắp sách đến trường của tôi từ lớp Đồng Ấu, nơi mái tranh lụp xụp của Thầy Tổng Lâm dưới xóm Cồn, học trò phải ngồi bệt dưới đất cát để học, cho đến lúc được ngồi trên những chiếc ghế cá nhân dính liền với bàn kiểu Mỹ, của ngôi trường Sư Phạm tân kỳ, đồ sộ ở Qui Nhơn-Bình Định, để học làm thầy, tính ra có hơn hai mươi Người Thầy và Cô đã góp bàn tay dạy dỗ và rèn luyện cho tôi nên người hữu dụng.
Chưa kể vài Giáo Sư ở mấy phân khoa đại học mà tôi đã mon men bước chân vào một độ. Chưa nên cơm cháo gì.
Tôi nói được may mắn cắp sách đến trường là bởi cha mẹ tôi cũng như hầu hết dân chài trong xóm đều nghèo. Nghèo ghê lắm. Nghèo xác xơ. Chạy ăn từng bữa. Trẻ con trong xóm đông lúc nhúc nhưng được ôm vở đến trường thì đếm chưa hết mấy đầu ngón trên hai bàn tay.
Tôi là một đứa trong những ngón tay ấy. Tưởng không thể nào nói hết ra đây nỗi cơ cực mà cha mẹ tôi đã ráng cho tôi ăn học. Thật là trăm cơ ngàn khổ.
Ráng lết cho đến bậc Trung học thì sĩ tử rơi rụng dọc đường “lều chỏng” gần hết. Qua năm Đệ tứ, ngó lại chỉ còn mình tôi, giống như chiếc lá cuối cùng của mùa thu, bám lủng lẳng trên cành cây khô.
Đám bạn tôi, một ít chọn binh nghiệp, chấp nhận cuộc đời gươm súng. Một ít theo cha mẹ trở lại nghề “kéo neo tát nước”. Mạng đời phó thác cho bọt nước biển khơi.
Nhớ câu “Chim có bạn cùng hót tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua nước đua mới mạnh”, với những năm tháng vừa vui đùa nghịch ngợm vừa tranh đua học hành cùng các bạn trong xóm, tôi chạnh lòng khi lủi thủi đi học một mình ở ngôi trường Trung Học Võ Tánh xa lạ và không một ai thân thiết.
Rồi dần dà tôi cũng có bạn mới và niềm vui mới. Bạn mới của tôi từ khắp nơi tụ về đây. Gần nhất là ở các làng quê ở Nha Trang như Thành, Phú Lộc… hoặc Ninh Hòa, Vạn Giả… Và các tỉnh xa về như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, Bình Định…
Đời học trò của tôi lắm nỗi gian truân, khổ ải chứ không được bình thường êm ả như những đứa trẻ khác có đầy đủ phương tiện, cha đưa mẹ đón…
“Sáng hôm ấy, một buổi sáng đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng…” đoạn văn này, đối với tôi bấy giờ chỉ có trong tiểu thuyết lãng mạn do mấy ông văn sĩ chắc cũng đã trải qua hoàn cảnh như tôi ngồi ao ước mà tả ra thôi.
Rồi “An Di con ơi! Con nghe đồng hồ điểm, con nói “Một giờ qua” rồi con cứ vui đùa…” Lại càng không thể có với cha mẹ tôi. Hai ông bà đầu tắt mẳt tối lo chạy gạo thở không ra hơi cho mười mấy anh em tôi, thì thời gian đâu còn nữa để mà “An Di con ơi!” Vả lại cha mẹ tôi mù chữ thì làm sao có thể ngó vô sách vở của tôi để biết nó là “con còng con cua” hay “con gà bới rác” ra sao để mà kèm cặp, theo dõi. Bởi vậy, cha mẹ tôi cho tôi đi học là phó thác cho trời và van vái “phúc đức ông bà tổ tiên phù hộ cho con tôi học giỏi” mà thôi.
May thay, trong suốt thời gian mài đủng quần trên ghế nhà trường, tôi đã gặp được nhiều Thầy và Cô giáo có tấm lòng nhân hậu và đầy lương tâm nghề nghiệp đã dạy dỗ, dẫn dắt biết bao nhiêu thế hệ trẻ nên người hữu dụng sau này.
Công ơn này tôi mãi mãi ghi sâu trong dạ.
Thời gian qua mau quá! Vừa mới trải qua một cuộc bể dâu, ngoảnh lại đã hơn nửa thế kỷ. Tôi trở về chốn cũ tìm lại bóng hình những người Thầy, Cô xưa, thì than ôi! “hạc vàng” đã về trời hầu hết.
Tôi chỉ còn gặp lại Thầy Cung Giũ Nguyên dạy Pháp Văn, Thầy Nguyễn Ngân dạy Anh Văn cho tôi từ năm Đệ thất đến năm Đệ tứ. Tôi cũng gặp lại Thầy Đào, Thầy Dự, Thầy Vĩ, Thầy Võ Hồng. Nhưng hồi đó, tôi không có cơ duyên được học với những vị Thầy này.
Các Thầy nay đã già lắm rồi. Sức khỏe yếu lắm rồi. Giống như những chiếc lá vàng cuối thu không biết rụng rơi lúc nào. Chỉ mỗi Thầy Ngân là còn tương đối khoẻ. Có lẽ Thầy nhờ có thú đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh nên đã vượt được ngưỡng cửa “lực bất tòng tâm” chăng?
Thầy cũng đã bát tuần.
Thầy còn khả năng cưỡi xe gắn máy chạy từ Nha Trang, vượt đèo Ngoạn Mục lên tận Đà Lạt hoặc ra đến đỉnh đèo Cả, tới Tuy Hòa, cốt để chụp vài tấm ảnh rồi hối hả chạy về trong ngày để chăm sóc cho Cô Cúc, vợ thầy, tuổi cũng đã cao, sức khoẻ lên xuống bất thường.
Nhưng đặc biệt cảm động nhất là tôi gặp lại được Thầy Phạm văn Thanh. Người Thầy cách đây hơn năm mươi năm trước, đã đích thân xuống xóm tôi, vào tận căn nhà nghèo nàn của tôi nằm bên ven sông, chính tay Thầy tặng cho tôi cuốn sách “Toán lớp Ba”, cuốn sách chỉ có mấy đồng bạc mà cha mẹ tôi vẫn không có nổi để góp cho trường mua dùm.
Cái ngày “lịch sử đời tôi” mở ra từ đây.
Trước đó, tôi là đứa trẻ ham chơi hơn ham học. Cộng thêm không có sách học thêm nên tôi là đứa học trò đã dốt càng thêm dốt, luôn luôn đội sổ. Ngày ngày tôi ôm vở (không có cặp để ôm) đến trường cho có lệ chứ thực ra là ở mấy gốc cây bàng ngoài bờ biển hoặc ở mấy toa xe lửa xụt xịt chạy tới chạy lui đổi toa ở sau Ga Xe lửa là chính.
Từ cái lúc Thầy tặng cho tôi cuốn sách, tôi bỗng như người thay hồn, đổi lốt. Tôi yêu quí cuốn sách của Thầy và gìn giữ nó như một báu vật. Tôi không còn lêu lỏng theo đám bạn trong xóm nữa. Ngoài thời gian giúp Má tôi trong việc buôn bán trong ngày, thì giờ còn lại tôi chuyên tâm lo học hành để khỏi phụ lòng tin yêu của cha mẹ và Thầy Thanh.
Dần dà, tôi khá hơn và bắt kịp bạn bè. Bao nhiêu kỳ thi tôi đều vượt qua hết. Thầy Thanh và cha mẹ tôi vui mừng biết bao. Có lẽ họ là những người vui hơn cả nỗi vui của tôi nữa, với những thành quả tôi đạt được.
Mặc dù tôi chỉ học Thầy có một niên khóa ở lớp Ba, nhưng cái dấu ấn “đổi đời” ấy không bao giờ xóa nhòa trong tôi.
Mỗi khi có dịp ôn về dĩ vãng cuộc đời để kể lại cho các con tôi nghe thì cái hình ảnh Thầy Phạm văn Thanh đạp xe xuống nhà tôi nhìn thấy tôi ngồi xay bột nấu chè “sôi nước” cho mẹ bán, Thầy rút trong túi ra cuốn sách mỏng với giọng đầy xúc động: “Tội nghiệp hoàn cảnh của con! Thiệt là con nghèo cháy túi! Thầy cho con cuốn sách này! Ráng mà học nghe con!” cứ hiện ra rõ mồn một y như vừa mới hôm qua.
Học trò nhớ Thầy, dù ít hay nhiều, đó là lẽ thường. Còn Thầy thì mỗi năm qua đi với biết bao nhiêu đứa học trò làm sao mà nhớ hết! Có chăng là những trường hợp đặc biệt như mấy ôn con “nghịch ngợm phá phách trời thần đất lở” hay có trò “thần đồng thông minh vượt bực” thì Thầy mới còn có thể nhớ nổi sau mấy chục năm.
Vậy mà không hiểu sao, sau năm mươi năm, gặp lại Thầy Thanh, Thầy vẫn còn nhớ tôi.
Tôi chỉ là đứa học trỏ nhỏ nhất lớp, nhà nghèo, học dốt như nhiều trò khác thôi. Không có gì đặc biệt.
Anh bạn chở tôi tới thăm Thầy, chuyến về lại Việt Nam sau hơn mười ba năm xa lìa quê hương. Nhà Thầy ở hẻm Phương Sài. Thầy ôm chầm lấy tôi, trong vòng tay ấm áp của Thầy với hai cánh tay khẳng khiu, tôi không cầm được sự thổn thức. Những giọt nước mắt của tôi tràn ra y như hồi Thầy cho tôi cuốn sách lớp Ba. Lúc đó tôi cũng chỉ biết khóc vì cảm động chứ không biết nói gì. Lần ấy, lần này cổ họng tôi cũng nghẹn lại nói không nên lời.
Tôi nhìn lên khuôn mặt già nua của Thầy, hai khoé mắt của Thầy cũng rưng rưng.
Vợ Thầy mất đã lâu. Thầy sống cô quạnh trong căn nhà xưa với nỗi buồn vui một mình. Các con của Thầy cũng tản lạc khắp nơi như bao nhiêu gia đình khác sau năm bảy lăm.
Thầy chỉ nói với tôi mỗi một câu:
- Gặp lại con Thầy mừng lắm. Thầy vui lắm.
Tôi cứ ấp hai bàn tay Thầy, những ngón tay khô, gầy vào ngực tôi mà trí tôi bao nhiêu là kỷ niệm dồn dập tràn về.
Tôi học lớp Ba với Thầy năm 1952. Lớp Nhì với Thầy Huỳnh kỳ Ngộ và lớp Nhứt với Thầy Sử văn Tuy.
Năm 1954 trải qua hai kỳ thi và “Ê cờ Ri”* (Écrit) và “Ô ran”*, tôi đậu “Ri Me” (Primaire Élémentaire). Nhưng khi chen chân vào Đệ Thất ở Trường Trung học Võ Tánh, tôi bị loại khỏi vòng chiến. Quanh tôi “cao thủ võ lâm” quá nhiều. Lại còn cái trường Luyện thi vào Đệ thất của Thầy Trực ở đường Trần quí Cáp nữa chứ. Lớp học chật ních học trò luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Tôi chỉ mon men, thập thò ngoài bệ cửa, nhóng vào bên trong chứ đâu có tiền đóng học phí để đi học thêm.
Thi vào Đệ thất trường Công Lập là mơ ước của nhiều ngàn học trò trong tỉnh. Mà sỉ số lấy vào thì hạn chế chừng trăm rưởi hay hai trăm trò là tối đa.
Đúng như cái tên gọi cuộc thi là “Còng cua”* (Concours). Hai cái càng con cua, càng lớn, càng nhỏ, đã khắc nghiệt kẹp đứt biết bao nhiêu là tương lai tuổi trẻ để chọn cho được những hạt gạo trên sàng.
Sau kỳ thi rớt vào Đệ thất, thối chí học hành, tôi xin cha tôi cho “đi mành” để “kéo neo tát nước” như những đứa trẻ khác trong làng hòng phụ giúp cái ăn trong gia đình.
Nhưng cha mẹ tôi cương quyết bắt tôi đi học.
Tôi đi học ở trường Tư Thục Tương Lai, sau đổi thành Văn Hóa. Bốn năm sau, tôi quyết chí đánh vật với cái “Còng cua” cao hơn môt bậc là tranh nhau vào lớp Đệ tam Võ Tánh.
Và tôi đã chiến thắng.
Tôi vui mừng gặp lại Thầy Thanh. Bây giờ Thầy với Thầy Tuy trở thành nhân viên văn phòng của trường, không còn dạy ở Tiểu học nữa.
Tôi học ở đó bốn năm, ngày ngày vô cổng, tôi vui vẻ kính cẩn giở mũ chào Thầy. Thầy đứng ở bậc cấp nhìn tôi và mỉm cười. Thầy Tuy thì hiền và nghiêm không xuề xòa như Thầy. Tôi không có dịp gần Thầy Thanh nữa, nhưng hình ảnh của Thầy lại hòa nhập vào Thầy Võ Thành Điểm, Giáo sư dạy Hội Họa kiêm Giám thị. Thầy Điểm có nhiều nét giống Thầy Thanh. Từ cái dáng mập mạp, khuôn mặt đôn hậu, đến tính tình xuề xòa vui vẻ hay cười đùa với học sinh, dù trên danh nghĩa là Giám thị (cái chức vụ chuyên kiểm tra xét nét học trò phạm lỗi) học trò ai nấy vẫn yêu mến Thầy.
Đến giờ vẽ của Thầy, học trò cứ vui như ngày Tết.
- Hôm nay Thầy cho các con một cái “xúy djê”*. (sujet)
Giọng nói miền Nam của Thầy nghe bình dị, thân thương. Nụ cười Thầy lấp lánh một chút răng vàng trông rất tếu.
(Ngày Thầy mất, dù trong hoàn cảnh khó khăn, học trò đi đưa vẫn đông đảo như đám tang của Thầy Bửu Cân trước bảy lăm)
Năm sáu hai, tôi từ giã trường và cũng từ giã luôn thành phố Nha Trang đầy nắng, gió, sóng biển để bắt đầu lao vào vòng danh lợi với nợ áo cơm.
Tháng tư năm bảy lăm, mộng lớn, mộng con trôi theo dòng thác lũ oan nghiệt của cơn bão dữ.
Tất cả đều tan hoang.
Tất cả đều hủy hoại.
Tôi vào tù, ra tù và biệt xứ.
Mười ba năm sau, tôi trở lại quê hương, rất may mắn được gặp lại Thầy, được Thầy ôm trong vòng tay. Tôi hạnh phúc sống lại giây phút của cậu học trò nhỏ thuở mười ba.
Trước hôm giã từ các Thầy và bè bạn để về lại xứ xa, một buổi tiệc nhỏ được tổ chức ở nhà hàng Hoàng Yến để Thầy trò cùng uống chén rượu tạm biệt, Thầy Ngân đọc tặng tôi bài thơ của một Nữ sĩ đã tặng cho Thầy.
Bài thơ nói về chữ Tâm đầy cảm xúc.
Riêng Thầy Thanh, khi được các bạn xin Thầy phát biểu vài lời với người học trò ở xa về, Thầy đứng lên, bằng giọng xúc động run run, Thầy chỉ nói vỏn vẹn ba tiếng:
- Thầy thương con!
Chỉ có ba tiếng “Thầy thương con” mà tôi cảm thấy Thầy đã dành cho tôi cả một tấm lòng nhân hậu bao la.
Tôi cũng đã từng đi dạy học và hồn tôi đã từng thấm đẫm tấm lòng thương mến của nhiều học trò đối với thầy. Nhưng tôi chưa có dịp được nói với đứa học trò nhỏ nào của tôi như câu nói của Thầy Thanh dành cho tôi.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ hay nửa chữ vẫn là Thầy một đời. Ở đây, Thầy Thanh đã dạy cho tôi cả một rừng chữ và cả một tấm lòng nhân ái mà tôi được ân sủng.
Tôi lại nhớ đến bài học vỡ lòng của Thầy Tổng Lâm trong xóm, ngày đầu tiên đi học với mái tóc còn để chỏm:
“Rừng Nhu, biển Thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học lớn mò sao ra”
Tôi luôn hy vọng sẽ lại gặp Thầy nhiều lần nữa trong những năm sau này khi có dịp về thăm xứ sở, quê hương.
Giờ đây, tuy tuổi đời sắp tới thất thập, một lần nữa, tôi vẫn xin nói lên lòng biết ơn công lao dạy dỗ và lòng thương yêu của tất cả Thầy, Cô đã một đời tận tụy với nghề nghiệp, với đám học trò nhỏ mà chúng đã đứng thứ ba sau quỷ và ma, chúng đã từng làm cho các Thầy, Cô có lúc buồn vui và cả khổ đau với chúng.
Lời cha tôi dặn dò vẫn văng vẳng đâu đây:
“Không Thầy đố mày làm nên!”
Chưa kể vài Giáo Sư ở mấy phân khoa đại học mà tôi đã mon men bước chân vào một độ. Chưa nên cơm cháo gì.
Tôi nói được may mắn cắp sách đến trường là bởi cha mẹ tôi cũng như hầu hết dân chài trong xóm đều nghèo. Nghèo ghê lắm. Nghèo xác xơ. Chạy ăn từng bữa. Trẻ con trong xóm đông lúc nhúc nhưng được ôm vở đến trường thì đếm chưa hết mấy đầu ngón trên hai bàn tay.
Tôi là một đứa trong những ngón tay ấy. Tưởng không thể nào nói hết ra đây nỗi cơ cực mà cha mẹ tôi đã ráng cho tôi ăn học. Thật là trăm cơ ngàn khổ.
Ráng lết cho đến bậc Trung học thì sĩ tử rơi rụng dọc đường “lều chỏng” gần hết. Qua năm Đệ tứ, ngó lại chỉ còn mình tôi, giống như chiếc lá cuối cùng của mùa thu, bám lủng lẳng trên cành cây khô.
Đám bạn tôi, một ít chọn binh nghiệp, chấp nhận cuộc đời gươm súng. Một ít theo cha mẹ trở lại nghề “kéo neo tát nước”. Mạng đời phó thác cho bọt nước biển khơi.
Nhớ câu “Chim có bạn cùng hót tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua nước đua mới mạnh”, với những năm tháng vừa vui đùa nghịch ngợm vừa tranh đua học hành cùng các bạn trong xóm, tôi chạnh lòng khi lủi thủi đi học một mình ở ngôi trường Trung Học Võ Tánh xa lạ và không một ai thân thiết.
Rồi dần dà tôi cũng có bạn mới và niềm vui mới. Bạn mới của tôi từ khắp nơi tụ về đây. Gần nhất là ở các làng quê ở Nha Trang như Thành, Phú Lộc… hoặc Ninh Hòa, Vạn Giả… Và các tỉnh xa về như Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, Bình Định…
Đời học trò của tôi lắm nỗi gian truân, khổ ải chứ không được bình thường êm ả như những đứa trẻ khác có đầy đủ phương tiện, cha đưa mẹ đón…
“Sáng hôm ấy, một buổi sáng đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng…” đoạn văn này, đối với tôi bấy giờ chỉ có trong tiểu thuyết lãng mạn do mấy ông văn sĩ chắc cũng đã trải qua hoàn cảnh như tôi ngồi ao ước mà tả ra thôi.
Rồi “An Di con ơi! Con nghe đồng hồ điểm, con nói “Một giờ qua” rồi con cứ vui đùa…” Lại càng không thể có với cha mẹ tôi. Hai ông bà đầu tắt mẳt tối lo chạy gạo thở không ra hơi cho mười mấy anh em tôi, thì thời gian đâu còn nữa để mà “An Di con ơi!” Vả lại cha mẹ tôi mù chữ thì làm sao có thể ngó vô sách vở của tôi để biết nó là “con còng con cua” hay “con gà bới rác” ra sao để mà kèm cặp, theo dõi. Bởi vậy, cha mẹ tôi cho tôi đi học là phó thác cho trời và van vái “phúc đức ông bà tổ tiên phù hộ cho con tôi học giỏi” mà thôi.
May thay, trong suốt thời gian mài đủng quần trên ghế nhà trường, tôi đã gặp được nhiều Thầy và Cô giáo có tấm lòng nhân hậu và đầy lương tâm nghề nghiệp đã dạy dỗ, dẫn dắt biết bao nhiêu thế hệ trẻ nên người hữu dụng sau này.
Công ơn này tôi mãi mãi ghi sâu trong dạ.
Thời gian qua mau quá! Vừa mới trải qua một cuộc bể dâu, ngoảnh lại đã hơn nửa thế kỷ. Tôi trở về chốn cũ tìm lại bóng hình những người Thầy, Cô xưa, thì than ôi! “hạc vàng” đã về trời hầu hết.
Tôi chỉ còn gặp lại Thầy Cung Giũ Nguyên dạy Pháp Văn, Thầy Nguyễn Ngân dạy Anh Văn cho tôi từ năm Đệ thất đến năm Đệ tứ. Tôi cũng gặp lại Thầy Đào, Thầy Dự, Thầy Vĩ, Thầy Võ Hồng. Nhưng hồi đó, tôi không có cơ duyên được học với những vị Thầy này.
Các Thầy nay đã già lắm rồi. Sức khỏe yếu lắm rồi. Giống như những chiếc lá vàng cuối thu không biết rụng rơi lúc nào. Chỉ mỗi Thầy Ngân là còn tương đối khoẻ. Có lẽ Thầy nhờ có thú đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh nên đã vượt được ngưỡng cửa “lực bất tòng tâm” chăng?
Thầy cũng đã bát tuần.
Thầy còn khả năng cưỡi xe gắn máy chạy từ Nha Trang, vượt đèo Ngoạn Mục lên tận Đà Lạt hoặc ra đến đỉnh đèo Cả, tới Tuy Hòa, cốt để chụp vài tấm ảnh rồi hối hả chạy về trong ngày để chăm sóc cho Cô Cúc, vợ thầy, tuổi cũng đã cao, sức khoẻ lên xuống bất thường.
Nhưng đặc biệt cảm động nhất là tôi gặp lại được Thầy Phạm văn Thanh. Người Thầy cách đây hơn năm mươi năm trước, đã đích thân xuống xóm tôi, vào tận căn nhà nghèo nàn của tôi nằm bên ven sông, chính tay Thầy tặng cho tôi cuốn sách “Toán lớp Ba”, cuốn sách chỉ có mấy đồng bạc mà cha mẹ tôi vẫn không có nổi để góp cho trường mua dùm.
Cái ngày “lịch sử đời tôi” mở ra từ đây.
Trước đó, tôi là đứa trẻ ham chơi hơn ham học. Cộng thêm không có sách học thêm nên tôi là đứa học trò đã dốt càng thêm dốt, luôn luôn đội sổ. Ngày ngày tôi ôm vở (không có cặp để ôm) đến trường cho có lệ chứ thực ra là ở mấy gốc cây bàng ngoài bờ biển hoặc ở mấy toa xe lửa xụt xịt chạy tới chạy lui đổi toa ở sau Ga Xe lửa là chính.
Từ cái lúc Thầy tặng cho tôi cuốn sách, tôi bỗng như người thay hồn, đổi lốt. Tôi yêu quí cuốn sách của Thầy và gìn giữ nó như một báu vật. Tôi không còn lêu lỏng theo đám bạn trong xóm nữa. Ngoài thời gian giúp Má tôi trong việc buôn bán trong ngày, thì giờ còn lại tôi chuyên tâm lo học hành để khỏi phụ lòng tin yêu của cha mẹ và Thầy Thanh.
Dần dà, tôi khá hơn và bắt kịp bạn bè. Bao nhiêu kỳ thi tôi đều vượt qua hết. Thầy Thanh và cha mẹ tôi vui mừng biết bao. Có lẽ họ là những người vui hơn cả nỗi vui của tôi nữa, với những thành quả tôi đạt được.
Mặc dù tôi chỉ học Thầy có một niên khóa ở lớp Ba, nhưng cái dấu ấn “đổi đời” ấy không bao giờ xóa nhòa trong tôi.
Mỗi khi có dịp ôn về dĩ vãng cuộc đời để kể lại cho các con tôi nghe thì cái hình ảnh Thầy Phạm văn Thanh đạp xe xuống nhà tôi nhìn thấy tôi ngồi xay bột nấu chè “sôi nước” cho mẹ bán, Thầy rút trong túi ra cuốn sách mỏng với giọng đầy xúc động: “Tội nghiệp hoàn cảnh của con! Thiệt là con nghèo cháy túi! Thầy cho con cuốn sách này! Ráng mà học nghe con!” cứ hiện ra rõ mồn một y như vừa mới hôm qua.
Học trò nhớ Thầy, dù ít hay nhiều, đó là lẽ thường. Còn Thầy thì mỗi năm qua đi với biết bao nhiêu đứa học trò làm sao mà nhớ hết! Có chăng là những trường hợp đặc biệt như mấy ôn con “nghịch ngợm phá phách trời thần đất lở” hay có trò “thần đồng thông minh vượt bực” thì Thầy mới còn có thể nhớ nổi sau mấy chục năm.
Vậy mà không hiểu sao, sau năm mươi năm, gặp lại Thầy Thanh, Thầy vẫn còn nhớ tôi.
Tôi chỉ là đứa học trỏ nhỏ nhất lớp, nhà nghèo, học dốt như nhiều trò khác thôi. Không có gì đặc biệt.
Anh bạn chở tôi tới thăm Thầy, chuyến về lại Việt Nam sau hơn mười ba năm xa lìa quê hương. Nhà Thầy ở hẻm Phương Sài. Thầy ôm chầm lấy tôi, trong vòng tay ấm áp của Thầy với hai cánh tay khẳng khiu, tôi không cầm được sự thổn thức. Những giọt nước mắt của tôi tràn ra y như hồi Thầy cho tôi cuốn sách lớp Ba. Lúc đó tôi cũng chỉ biết khóc vì cảm động chứ không biết nói gì. Lần ấy, lần này cổ họng tôi cũng nghẹn lại nói không nên lời.
Tôi nhìn lên khuôn mặt già nua của Thầy, hai khoé mắt của Thầy cũng rưng rưng.
Vợ Thầy mất đã lâu. Thầy sống cô quạnh trong căn nhà xưa với nỗi buồn vui một mình. Các con của Thầy cũng tản lạc khắp nơi như bao nhiêu gia đình khác sau năm bảy lăm.
Thầy chỉ nói với tôi mỗi một câu:
- Gặp lại con Thầy mừng lắm. Thầy vui lắm.
Tôi cứ ấp hai bàn tay Thầy, những ngón tay khô, gầy vào ngực tôi mà trí tôi bao nhiêu là kỷ niệm dồn dập tràn về.
Tôi học lớp Ba với Thầy năm 1952. Lớp Nhì với Thầy Huỳnh kỳ Ngộ và lớp Nhứt với Thầy Sử văn Tuy.
Năm 1954 trải qua hai kỳ thi và “Ê cờ Ri”* (Écrit) và “Ô ran”*, tôi đậu “Ri Me” (Primaire Élémentaire). Nhưng khi chen chân vào Đệ Thất ở Trường Trung học Võ Tánh, tôi bị loại khỏi vòng chiến. Quanh tôi “cao thủ võ lâm” quá nhiều. Lại còn cái trường Luyện thi vào Đệ thất của Thầy Trực ở đường Trần quí Cáp nữa chứ. Lớp học chật ních học trò luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Tôi chỉ mon men, thập thò ngoài bệ cửa, nhóng vào bên trong chứ đâu có tiền đóng học phí để đi học thêm.
Thi vào Đệ thất trường Công Lập là mơ ước của nhiều ngàn học trò trong tỉnh. Mà sỉ số lấy vào thì hạn chế chừng trăm rưởi hay hai trăm trò là tối đa.
Đúng như cái tên gọi cuộc thi là “Còng cua”* (Concours). Hai cái càng con cua, càng lớn, càng nhỏ, đã khắc nghiệt kẹp đứt biết bao nhiêu là tương lai tuổi trẻ để chọn cho được những hạt gạo trên sàng.
Sau kỳ thi rớt vào Đệ thất, thối chí học hành, tôi xin cha tôi cho “đi mành” để “kéo neo tát nước” như những đứa trẻ khác trong làng hòng phụ giúp cái ăn trong gia đình.
Nhưng cha mẹ tôi cương quyết bắt tôi đi học.
Tôi đi học ở trường Tư Thục Tương Lai, sau đổi thành Văn Hóa. Bốn năm sau, tôi quyết chí đánh vật với cái “Còng cua” cao hơn môt bậc là tranh nhau vào lớp Đệ tam Võ Tánh.
Và tôi đã chiến thắng.
Tôi vui mừng gặp lại Thầy Thanh. Bây giờ Thầy với Thầy Tuy trở thành nhân viên văn phòng của trường, không còn dạy ở Tiểu học nữa.
Tôi học ở đó bốn năm, ngày ngày vô cổng, tôi vui vẻ kính cẩn giở mũ chào Thầy. Thầy đứng ở bậc cấp nhìn tôi và mỉm cười. Thầy Tuy thì hiền và nghiêm không xuề xòa như Thầy. Tôi không có dịp gần Thầy Thanh nữa, nhưng hình ảnh của Thầy lại hòa nhập vào Thầy Võ Thành Điểm, Giáo sư dạy Hội Họa kiêm Giám thị. Thầy Điểm có nhiều nét giống Thầy Thanh. Từ cái dáng mập mạp, khuôn mặt đôn hậu, đến tính tình xuề xòa vui vẻ hay cười đùa với học sinh, dù trên danh nghĩa là Giám thị (cái chức vụ chuyên kiểm tra xét nét học trò phạm lỗi) học trò ai nấy vẫn yêu mến Thầy.
Đến giờ vẽ của Thầy, học trò cứ vui như ngày Tết.
- Hôm nay Thầy cho các con một cái “xúy djê”*. (sujet)
Giọng nói miền Nam của Thầy nghe bình dị, thân thương. Nụ cười Thầy lấp lánh một chút răng vàng trông rất tếu.
(Ngày Thầy mất, dù trong hoàn cảnh khó khăn, học trò đi đưa vẫn đông đảo như đám tang của Thầy Bửu Cân trước bảy lăm)
Năm sáu hai, tôi từ giã trường và cũng từ giã luôn thành phố Nha Trang đầy nắng, gió, sóng biển để bắt đầu lao vào vòng danh lợi với nợ áo cơm.
Tháng tư năm bảy lăm, mộng lớn, mộng con trôi theo dòng thác lũ oan nghiệt của cơn bão dữ.
Tất cả đều tan hoang.
Tất cả đều hủy hoại.
Tôi vào tù, ra tù và biệt xứ.
Mười ba năm sau, tôi trở lại quê hương, rất may mắn được gặp lại Thầy, được Thầy ôm trong vòng tay. Tôi hạnh phúc sống lại giây phút của cậu học trò nhỏ thuở mười ba.
Trước hôm giã từ các Thầy và bè bạn để về lại xứ xa, một buổi tiệc nhỏ được tổ chức ở nhà hàng Hoàng Yến để Thầy trò cùng uống chén rượu tạm biệt, Thầy Ngân đọc tặng tôi bài thơ của một Nữ sĩ đã tặng cho Thầy.
Bài thơ nói về chữ Tâm đầy cảm xúc.
Riêng Thầy Thanh, khi được các bạn xin Thầy phát biểu vài lời với người học trò ở xa về, Thầy đứng lên, bằng giọng xúc động run run, Thầy chỉ nói vỏn vẹn ba tiếng:
- Thầy thương con!
Chỉ có ba tiếng “Thầy thương con” mà tôi cảm thấy Thầy đã dành cho tôi cả một tấm lòng nhân hậu bao la.
Tôi cũng đã từng đi dạy học và hồn tôi đã từng thấm đẫm tấm lòng thương mến của nhiều học trò đối với thầy. Nhưng tôi chưa có dịp được nói với đứa học trò nhỏ nào của tôi như câu nói của Thầy Thanh dành cho tôi.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ hay nửa chữ vẫn là Thầy một đời. Ở đây, Thầy Thanh đã dạy cho tôi cả một rừng chữ và cả một tấm lòng nhân ái mà tôi được ân sủng.
Tôi lại nhớ đến bài học vỡ lòng của Thầy Tổng Lâm trong xóm, ngày đầu tiên đi học với mái tóc còn để chỏm:
“Rừng Nhu, biển Thánh khôn dò,
Nhỏ mà không học lớn mò sao ra”
Tôi luôn hy vọng sẽ lại gặp Thầy nhiều lần nữa trong những năm sau này khi có dịp về thăm xứ sở, quê hương.
Giờ đây, tuy tuổi đời sắp tới thất thập, một lần nữa, tôi vẫn xin nói lên lòng biết ơn công lao dạy dỗ và lòng thương yêu của tất cả Thầy, Cô đã một đời tận tụy với nghề nghiệp, với đám học trò nhỏ mà chúng đã đứng thứ ba sau quỷ và ma, chúng đã từng làm cho các Thầy, Cô có lúc buồn vui và cả khổ đau với chúng.
Lời cha tôi dặn dò vẫn văng vẳng đâu đây:
“Không Thầy đố mày làm nên!”