Chuyện xứ Lang Biang là một bộ truyện dài gồm 4 phần (phát hành 28 tập) của nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh, được xuất bản những tập đầu tiên vào năm 2004 và kết thúc vào tháng 8 năm 2006. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu kỳ thú của hai nhân vật chính Nguyên và Kăply bị lạc vào xứ phù thủy Lang Biang và tình cờ trở thành hai "Chiến binh giữ đền" có nhiệm vụ tiêu diệt phe Hắc Ám. Tuy được đặt vào bối cảnh là thế giới phù thủy đầy huyền bí nhưng tên của các nhân vật lại mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Được coi là Harry Potter của Việt Nam, bộ truyện ra đời đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía độc giả.
Truyện được phát hành thành 28 tập nhỏ cỡ 10,5 x 17cm, được chia thành 4 tập lớn:
* Tập 1: Pho tượng của Baltalon (5 quyển)
* Tập 2: Biến cố ở trường Đămri (7 quyển)
* Tập 3: Chủ nhân núi Lưng Chừng (8 quyển)
* Tập 4: Báu vật ở lâu đài K'Rahlan (8 quyển)
Pho tượng của Baltalon
Nguyên và Kăply là hai đứa trẻ ở làng Ke, bị bắt cóc vào xứ Lang Biang - thế giới phù thủy. Dưới lốt của K'Brăk và K'Brết, cả hai trở thành tiểu chủ nhân bất đắc dĩ của lâu đài K'Rahlan, kết bạn với Êmê, K'Tub, Suku và Păng Ting - những đứa trẻ cùng lứa. Là kẻ tử thù của lâu đài K'Rahlan, sứ giả thứ ba của trùm Hắc Ám là Baltalon đã sai con chim cắt Boumboum gửi đến K'Brăk (tức Nguyên) một pho tượng tạc chính hình K'Brăk. Theo thông lệ, bất cứ ai nhận được pho tượng của chính mình do Baltalon gửi tới, người đó coi như đã lãnh án tử hình. Đúng 30 ngày sau khi gửi đi pho tượng, Baltalon sẽ tìm đến nạn nhân để lấy mạng, vì vậy hắn được mệnh danh là "Sát thủ ngày thứ 30". Không ngờ đến ngày định mệnh đó, Baltalon lại tiêu tùng bởi một nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ: nhầm tay trái với tay phải. Nhưng trùm Hắc Ám không chỉ có một tên sứ giả. Cùng lúc đó, Nguyên và Kăply phải đến học trường Đào tạo Tài năng Đămri, ngôi trường phù thủy lớn nhất của xứ Lang Biang, trong lốt K'Brăk và K'Brết. Từ đây mọi chuyện mới thực sự bắt đầu với một âm mưu mới...
Biến cố ở trường Đămri
Buriam, sứ giả thứ tư của trùm Bastu, bị phát hiện chính là vị giáo sư khả ái Hailixiro và sau đó đã bị bắt. Suốt một thời gian dài hắn đã bắt cóc con trai của cô Kemli Trinh, giáo viên trường Đămri, rồi dùng thuật Quỷ mộng để sai khiến cô làm việc cho hắn. Thầy N'Trang Long, hiệu trưởng, phải nhờ cặp ma nhoc song sinh Pôcô - Pôca mới bắt được Buriam. Nhưng đứa con của cô Kemli Trinh lại bị Buriak dùng bùa Ngốc làm cho tưng tửng. Nguyên và Kăply được thầy N'Trang Long giao nhiệm đến núi Lưng Chừng để hái táo vàng, một việc xưa nay chưa ai từng làm được ngoại trừ Đại tiên ông Mackeno, người đứng đầu Tam Tiên.
Chủ nhân núi Lưng Chừng
Sau khi ăn quả táo vàng ở núi Lưng Chừng, Nguyên và Kăply đã chính thức trở thành "Chiến binh giữ đền" (CBGD) - trình độ pháp thuật ngang ngửa với các siêu phù thủy hạng nhất ở xứ Lang Biang. Cùng lúc đó, nhiều bí mật đựoc vén màn: trùm Bastu lâu nay chính là Ka Ming, còn sứ giả Badd là do Thủ lĩnh phe Ánh Sáng giả trang. Và giáo sư nhóc tì Akô Nô chính là phân nửa (mặt tốt) của Chủ nhân núi Lưng Chừng (CNNLC), còn nửa kí (mặt xấu) là lão Ôkô Na độc ác tác oai tác quái. Hiệu trưởng N'Trang Long đã tiết lộ cho bọn trẻ biết nguyên nhân sau xa của bi kịch này chính là do cuộc gặp gỡ giữa CNNLC và Đại phù thủy Păng Sur, một nhân vật trong Tam Tiên. Sứ mạng của CBGD vần chưa tiến triển gì nhiều. Vợ chồng K'Rahlan và Ka Ming tạm thời chưa lộ mặt để còn thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn sự quay lại của trùm Bastu.
Báu vật ở lâu đài K'Rahlan
Phần kết của series chuyện với rất nhiều nút thắt được mở ra. Trùm Bastu chính là Pô Palay Tàn phế, tên trùm Hắc Ám được cho rằng là đã chết cách đây 300 năm dưới tay của Đại tiên ông Mackeno (chính là thầy N'Trang Long), anh trai của hắn. Ông K'Tul, một nhân vật bí hiểm, cha của K'Tub, lại là tay sai của Bastu. Bastu đã luyện được thần chú "Cực lạc tiêu diêu", một loại thần chú có sức mạnh vô địch. Báu vật lâu đài K'Rahlan, một thứ bị các phe phái tranh nhau tìm kiếm vì cho rằng đó là câu Thần chú Kim Cương số 7, thật ra chỉ là một chiếc hộp đặc ruột được Tam Tiên dùng để đánh lừa Pô Palay. Uy lực của câu thần chú "Cực lạc tiêu diêu" mạnh đến nỗi ngay cả Tam Tiên cũng không thể đối phó. Chính lúc đó, Kăply với con chim thần hộ mệnh Garuda đã đánh bại Bastu. kết thúc truyện, Kăply và Nguyên được đưa về làng Ke, không rõ có gặp lại bạn bè ở xứ Lang Biang nữa không.
Quá trình sáng tác
Để viết bộ truyện này, Nguyễn Nhật Ánh đã gặp khá nhiều thách thức. Về sáng tạo, nhà văn đã phải vận dụng và khai thác tối đa trí tưởng tượng để xây dựng các tình tiết một cách hợp lý. Các chi tiết cũng phải được sắp xếp theo một bố cục chặt chẽ và lôgic. Nhà văn tâm sự ông đã phải mất nửa năm tìm tài liệu trên Internet và đọc các loại sách liên quan như Phù thủy và pháp sư, Ma thuật và thuật phù thủy ở Philippines, Các huyền thoại phương Đông, Thần thoại Hy Lạp và La Mã, Một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Họ và tên người Việt Nam, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Các nền văn minh cổ đại...[2] Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối tác giả đó chính là sự đón nhận của độc giả nhỏ tuổi với bộ truyện này. Ông mong muốn tác phẩm này đem lại sự thích thú cho độc giả như Kính vạn hoa.[3]
Được biết, nhà văn đã từng sáng tác một số truyện có tính thần thoại như các bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ và Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối. Nhận thấy có thể khai thác theo hướng viết này để viết truyện cho trẻ em, ông ấp ủ dự định sáng tác một tác phẩm thần thoại từ khá lâu nhưng vì lúc đó đang viết dở bộ Kính Vạn Hoa nên đến năm 2004, Chuyện xứ Lang Biang mới ra mắt bạn đọc.[2]
Theo diễn tiến của câu chuyện và dự định ban đầu của Nguyễn Nhật Ánh, Chuyện xứ Lang Biang đáng lẽ phải kéo dài 6 tập nhưng do mất nhiều thời gian viết (trung bình 1 năm một tập) nên ông quyết định rút ngắn thành 4 tập.[4] Ngày 23/10/2006, bộ truyện ra tập cuối cùng (tập 28 khổ nhỏ), kết thúc cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính Nguyên và Kăply.
Quan điểm nghệ thuật
Nguyễn Nhật Ánh viết bộ truyện này với trong thời điểm truyện dịch đang rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là bộ truyện phù thủy nổi tiếng gây sốt toàn thế giới Harry Potter. Trong một buổi phỏng vấn, ông tâm sự: