Về 1 truyện ngắn trong nc nhưng lại phải "dịch" ra Tiếng Việt
Cứ tưởng hs phổ thông và những người làm các nghề không phải thường xuyên sử dụng ngòi bút mới có trường hợp viết và nói chưa đúng ngữ pháp Việt Nam. Đối với những đối tượng này ta dễ thông cảm về những lỗi trong văn phạm của họ. Đằng này những người coi công việc văn chương là một nghề mà vẫn hành văn sai ngữ pháp; bố cục bài viết (tác phẩm) và cấu tạo câu văn rất rắc rối, khó hiểu; dùng từ không đúng thì thật đáng phàn nàn, chê trách. Đáng nhẽ ra họ càng cần phải gương mẫu trong việc sử dụng nhuần nhuyễn, chính xác tiếng Việt trong các sáng tác của mình mới đúng. Bởi vì những “đứa con tinh thần” ấy của họ có ảnh hưởng (tích cực hoặc tiêu cực) rất sâu rộng trong xã hội. Nếu những sáng tác đó có nội dung phong phú, sâu sắc và văn phong trong sáng thì sẽ có tác dụng tốt, giúp cho nhiều người viết và nói theo đúng các chuẩn mực của tiếng Việt và ngược lại. Nhìn vào tiến trình phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam, chúng ta thấy có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã thực sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, đắn đo, trau chuốt từng từ ngữ dùng, từng câu văn, đoạn văn, từng câu thơ… Có thể nói những cây viết uy tín này đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - điều mà Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước vẫn thường nhắc nhở văn nghệ sĩ. Song, chúng ta phải thẳng thắn nói rằng có một số người viết đã thiếu sự nghiêm túc, cẩn trọng trên trang giấy như: dùng từ sai nghĩa, câu văn cụt, câu văn què, trật từ từ ngữ và cách diễn đạt rất trái khoáy, kỳ quặc, không sao hiểu nổi như đánh đố người đọc. Xin đơn cử truyện ngắn Với hoa đào năm cũ của nhà văn N.T.T.K, đăng trên Báo Đại biểu nhân dân số 53 (2167), ngày 22-1-2010. Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu phân tích nội dung, cách xây dựng nhân vật, bố cục… của truyện ngắn đó mà chỉ nhặt ra một số câu văn “có vấn đề” sau đây để tác giả rút kinh nghiệm, chứ không thể “mới lạ” theo cách viết như vậy được. Để tiện theo dõi chúng tôi đánh số thứ tự 1, 2, 3 về các câu văn trích dẫn, kèm theo ý kiến cụ thể của chúng tôi:
- “Góc vườn xa, nâu sồng, người đàn ông bạc trắng lui cui ngắt tỉa những đầu cành khô”
Câu này cấu tạo từ ngữ và trật tự ngữ pháp bị đảo lộn tưởng như đó là văn của người nước ngoài chưa thạo tiếng Việt, nên xin được “dịch nghĩa” để người đọc dễ hiểu và đúng với ngữ pháp Việt Nam như sau: Góc vườn có một người đàn ông quần áo nâu sồng, tóc bạc trắng đang lui cui ngắt tỉa những đầu cành khô.
- “Gái làng đào lảnh lót, quần lụa xòa kín gót áo nâu thắt eo, khăn đen bịt mặt, nón ánh trắng lòa lòa, tung tẩy đôi sảo tre ra bãi sông kĩu kịt vớt váng phù sa.”
Trong ngôn ngữ thường ngày, người ta vẫn nói: Tiếng chim lảnh lót hay chim hót lảnh lót và nón trắng, chứ có ai nói: Cô gái lảnh lót và nón ánh trắng đâu. Câu văn này nên sửa là: Gái làng đào quần lụa xòa kín gót, áo nâu thắt eo, khăn đen bịt mặt, nón trắng lòa lòa, tung tẩy…
- “Sáng ngời những hiện thực, má nàng bừng sắc đào, nhíu mày liễu”.
Câu văn này diễn đạt rất kỳ quặc và tối nghĩa. Bạn đọc băn khoăn: sáng ngời những hiện thực gì? Ai nhíu mày liễu? Có lẽ nên sửa câu này như sau: Nàng bừng sắc đào đôi má và nhíu mày liễu.
- “Vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào của tuổi ba mươi lại pha đài các kinh kỳ ở những vòng xuyến, dây chuyền và nước hoa lẫn hương trầm oản mới lúc nào cũng phảng phất ở người đàn bà có đôi mắt sâu ánh ướt, ghìm giữ hơi thở dài.”
Người đọc không thể hiểu các cụm từ: vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào, hương trầm oản mới, đôi mắt sâu ánh ướt, nghĩa cụ thể là gì?
Câu văn diễn đạt lòng vòng, lủng củng, khó hiểu, gây bực dọc, phản cảm cho độc giả. Xin để tác giả tự sửa câu văn trên.
- “Nhất là bà nhìn tôi quẩn bên giúp nàng nhổ cỏ quanh gốc đào, sự bơ vơ trong ánh mắt nửa thương xót cho tôi nửa ái ngại cho cháu bà.”
Tác giả dùng từ “bơ vơ” chưa chính xác. Người ta thường nói: “Bơ vơ nơi đất khách quê người” hoặc “Bơ vơ, lạc lõng giữa chốn thị thành”…, chứ có ai nói: “bơ vơ trong ánh mắt”. Vì vậy, tôi muốn “dịch nghĩa” câu văn này như sau: Nhất là khi tôi quẩn bên giúp nàng nhổ cỏ quanh gốc đào, bà nhìn chúng tôi trong ánh mắt nửa yêu thương cho tôi, nửa ái ngại cho cháu bà.
- “Đang được nàng kê cánh tay lên gối, xé khăn tay băng buộc vết thương. Bàn tay bỗng dưng không đau nữa, mà chỉ thấy lồng ngực tôi nhói lên ấm ức.”
Cả hai câu này đều không có chủ ngữ và diễn đạt quá rắc rối, bí hiểm. Tác giả dùng từ “ấm ức” chưa chuẩn xác. Dân ta thường nói: “Bụng (hay lòng dạ) ấm ức…” hoặc “lồng ngực bức bối (hay đau tức)”, chứ có ai nói: “Lồng ngực ấm ức” đâu. Vì vậy, câu này nên sửa là: Nàng xé khăn tay băng buộc vết thương cho tôi và kê cánh tay cho tôi gối. Bàn tay tôi bỗng dưng không đau nữa mà chỉ thấy lồng ngực tôi nhói lên bức bối.
- “Nhưng tạo tác được đào đẹp phổ thông cũng chẳng dành cho các tay mơ.”
Câu này cần sửa như sau: Nhưng tạo được cây đào đẹp không phải là chuyện dễ dàng như có người mơ.
- “Đúng vậy, cần ngồi trong lều giữa vườn quờ tay ra ngoài, cậu có thể quyết định chuẩn bị trấu đốt đêm xua sương hay không.”
Nên sửa lại câu này là: Đúng vậy, ngồi trong lều giữa vườn, quờ tay ra ngoài, cậu có thể quyết định việc có cần chuẩn bị trấu đốt đêm để xua sương cho đào hay không.
- “Chính vì không tin ai ngoài vợ có thể mang cây đào phu thê lên phố giao cho khách ruột”
Đây là câu cụt, câu què, chưa trọn nghĩa, dù có thêm chủ ngữ “cậu” vào câu “Chính vì cậu không tin…”. Câu phức hợp này mới chỉ có một mệnh đề, còn thiếu mệnh đề nữa mới trở thành câu hoàn chỉnh. Chúng tôi không thể sửa được câu này, vì không hiểu mệnh đề thứ hai của câu là gì.
Còn có thể nêu ra một số sai phạm về cách viết, về ngữ pháp trong sáng tác của các tác giả khác nữa đã đăng trên các báo chí, đọc mãi, nghĩ mãi mà chẳng biết tác giả muốn nói gì, khiến người đọc, kể cả các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình phải bực mình.
----------------------
Chúng ta rất hoan nghênh mọi sự tìm tòi, đổi mới văn chương một cách đúng hướng, lành mạnh về nội dung phản ánh và hình thức thể hiện. Nhưng dù cách tân, đổi mới gì thì cũng phải tôn trọng, theo đúng các chuẩn mực, quy tắc của tiếng Việt, vì chúng ta là người Việt Nam, sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Nếu viết văn Việt mà bắt buộc người khác phải “dịch” ra tiếng Việt mới hiểu được thì thật là điều đáng phê phán, không thể chấp nhận. Chớ có tạo ra các cách viết và từ ngữ lập dị, lạ hoắc, những câu văn, đoạn văn què, cụt, sử dụng các dấu chấm câu tùy tiện, bất chấp quy tắc của tiếng Việt, khiến bạn đọc phản cảm, bất bình, mệt mỏi, vì không sao hiểu nổi. Điều đó chứng tỏ người viết đã cẩu thả, không tôn trọng người đọc và cả chính bản thân mình. Văn chương là sản phẩm tinh thần cao quý, dành cho quảng đại công chúng, chứ không phải là “đặc sản” cho một số ít người thưởng thức. Nếu người viết “cách tân” đến mức đông đảo độc giả - những người có trình độ thẩm mỹ tốt và ham chuộng văn chương vẫn không hiểu được tác phẩm thì đó không phải là sự “cách tân” đúng, chứng tỏ tác giả đã tự mình đánh mất mình, không làm cho người đọc trân trọng. Công chúng đã và đang đòi hỏi mỗi người viết hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm vẻ vang: “kỹ sư tâm hồn” của xã hội mà kiên trì, cẩn trọng lao động nghệ thuật, nhằm tạo ra những sáng tác giá trị, có ích cho con người và cuộc đời. Nhà văn Phê đin (1892-1977), nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô đã có câu nói nổi tiếng: “Văn phải được làm đi làm lại cho đến khi không có một lỗi và phải được tôi luyện cho đến lúc rắn như kim cương”.
Source: Sachhay