Chủ nhật, ngày 12/06/2011, 08:46
Sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2011
(giao duc) - Lượng bài chấm chưa nhiều, việc chấm lại không ảnh hưởng tiến độ. Đáp án mở, thí sinh có sáng tạo sẽ được điểm tối đa.
Chiều 9-6, Bộ GD&ĐT đã có công văn khẩn yêu cầu vận dụng đáp án bổ sung khi chấm điểm câu một đề thi văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 vừa qua. Với sự điều chỉnh này, nhiều chủ tịch hội đồng chấm thi, giám khảo cho là cần thiết và có lợi cho thí sinh. Cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận định: Học sinh giỏi sẽ dễ đạt điểm tối đa câu này, khi chấm bài đã có những em có tính phát hiện, sáng tạo riêng mà bám theo đáp án trước đó đếm ý cho điểm, các em giỏi sẽ dễ mất điểm câu này.
ĐBSCL đã linh động mở
Bà Phan Thị Trinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT-Chủ tịch Hội đồng Chấm thi tốt nghiệp THPT tỉnh An Giang, cho biết: Khi có dư luận về đáp án “đóng” của Bộ, các chủ tịch hội đồng đã về TP Cần Thơ sinh hoạt về hướng mở khi chấm câu số một.
Cô Bùi Thị Kim Duyên, tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT TP Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp (một trong bốn địa phương chấm bài tự luận của thí sinh TP.HCM), cho biết: Đáp án lần đầu của Bộ quá cứng nhắc, cho đề “mở” mà ra đáp án “đóng” khiến giám khảo khi chấm bị bó buộc và bức xúc. Chấm sơ qua 30%-40% bài thi thí sinh TP.HCM số thí sinh đạt điểm tối đa câu một không nhiều. Những bài thi môn văn đạt 5-6 điểm thì điểm câu một thí sinh đạt từ 1 đến 1,5 điểm khá tương đối. Bởi khi chấm chủ tịch hội đồng chấm và giám khảo đã thống nhất trên tinh thần mở và tôn trọng tính phát hiện mới, sáng tạo của thí sinh, không bám theo đáp án một cách máy móc. Một giám khảo khác thì cho rằng: Theo đáp án hướng dẫn chấm thi đầu tiên thì hiếm thí sinh nào làm trọn vẹn đủ bốn ý để đạt được 2 điểm.
Theo cô Duyên, với đáp án cũ thì giám khảo chấm cũng nhẹ nhàng nhưng thí sinh sáng tạo bị thiệt. Đáp án bổ sung của Bộ ngày 9-6 đã “cởi trói” cho giám khảo, người chấm yên tâm hơn khi chấm thoáng trên tinh thần tôn trọng tính sáng tạo của học sinh.
Tôn trọng tính sáng tạo
Còn cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho rằng: Bộ đã có đáp án “mở” chữa cháy kịp thời và rất cần thiết. Câu hỏi của đề thi năm nay mới, mà đáp án “đóng” như đáp án trước, thí sinh đạt điểm tuyệt đối không nhiều. Sau hai ngày chấm, giám khảo đã không thỏa mãn với đáp án của Bộ và đã có kiến nghị chủ tịch hội đồng cho chấm mở, tôn trọng tính phát hiện, sáng tạo, cảm nhận riêng của thí sinh. Với đáp án trước thí sinh chưa nói được hết ý nghĩa. Tréo ngoe là học sinh giỏi mất điểm câu này. Việc Bộ điều chỉnh, bổ sung đáp án là việc làm không hay nhưng cần thiết và phải làm.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng với đáp án bổ sung này có lợi cho thí sinh và giám khảo chấm cũng thấy thoải mái hơn, không ức chế, bức xúc khi bám sát đáp án đầu. TP.HCM mới chấm môn văn cho các tỉnh một phần nhỏ nên việc giám khảo rà chấm lại theo hướng mở của đáp án bổ sung cũng không mất nhiều thời gian.
Bà Phan Thị Trinh cho rằng: Việc chấm lại cũng không ảnh hưởng đến tiến độ công bố kết quả. Khu vực ĐBSCL đã sinh hoạt chấm mở từ trước nên lượng thí sinh thay đổi điểm sẽ không nhiều.
Nội dung điều chỉnh đáp án đề văn Câu một đề thi môn ngữ văn hỏi: Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?
Trước đó, Bộ có nêu đáp án về ý hai câu một như sau: Những hình ảnh đó nói lên: Chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (được 0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm). Nay điều chỉnh lại: Nếu thí sinh không trả lời cụ thể như đáp án mà nêu được ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nghệ thuật với cuộc sống: Có thể cho từ 0,5 điểm trở lên và không quá 1 điểm. Nếu thí sinh phân tích kỹ và sâu sắc ý đã nêu: Có thể cho tới tối đa 1 điểm.